Theo Quy chế tổ chức và hoạt động được ban hành tại Quyết định số 882/QĐ-ĐHQG ngày 10/7/2019 của Đại học Quốc gia Tp.HCM, Ban Quản lý Dự án Xây dựng có các nhiệm vụ sau:

1. Nhiệm vụ của chủ đầu tư:

  • Lập kế hoạch dự án: Lập, trình phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án trung hạn 5 năm và hàng năm (kế hoạch đăng ký vốn, kế hoạch chi tiêu, kế hoạch đấu thầu,…);
  • Tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng: thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đai, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ cảnh quan, môi trường, phòng chống cháy nổ có liên quan đến xây dựng công trình; tổ chức lập dự án, trình thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định; tiếp nhận, giải ngân vốn đầu tư và thực hiện các công việc chuẩn bị dự án khác;
  • Các nhiệm vụ thực hiện dự án gồm: Thuê tư vấn thực hiện khảo sát, lập thiết kế xây dựng, thẩm tra và trình thẩm định, phê duyệt hoặc tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức phối hợp thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi, giao nhận đất để thực hiện dự án; tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; giám sát quá trình thực hiện; giải ngân, thanh toán theo hợp đồng xây dựng và các công việc cần thiết khác;
  • Các nhiệm vụ kết thúc xây dựng, bàn giao công trình để vận hành, sử dụng: Tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành; vận hành chạy thử (nếu có); quyết toán, thanh lý hợp đồng xây dựng, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;
  • Các nhiệm vụ quản lý tài chính và giải ngân: tiếp nhận, giải ngân vốn theo tiến độ thực hiện dự án và hợp đồng ký kết với nhà thầu xây dựng; thực hiện chế độ quản lý tài chính, tài sản của Ban theo quy định;
  • Các nhiệm vụ hành chính, điều phối và trách nhiệm giải trình;
  • Các nhiệm vụ theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện: Kiểm tra, đánh giá về hoạt động của Ban QLDAXD; theo dõi, đánh giá và lập báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các dự án định kỳ hoặc đột xuất theo quy định; tổng hợp tình hình thực hiện và gửi đến Đại học Quốc gia Tp.HCM, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, để theo dõi, giám sát và hỗ trợ quá trình thực hiện;
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác được Đại học Quốc gia Tp.HCM giao theo quy định.
TB13
Ảnh tại Đường Tiêu biểu 13 – Lương Văn Can được khởi công vào tháng 12/2019 sắp hoàn thành giai đoạn 1

2. Nhiệm vụ quản lý dự án:

  • Quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm phạm vi, kế hoạch công việc; khối lượng công việc; chất lượng xây dựng; tiến độ thực hiện; chi phí đầu tư xây dựng; an toàn trong thi công xây dựng; bảo vệ môi trường trong xây dựng; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng; quản lý rủi ro; quản lý hệ thống thông tin công trình và các nội dung cần thiết khác được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Chỉ đạo, phối hợp nhà thầu thi công xây dựng công trình lập kế hoạch tiến độ, biện pháp thi công xây dựng và quản lý thực hiện dự án theo tiến độ thi công xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt;
  • Có trách nhiệm tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành theo tiến độ hợp đồng xây dựng;
  • Khuyến khích các cá nhân/tổ chức tham gia thực hiện dự án thành phần, nhà thầu xây dựng đề xuất và áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và tổ chức quản lý hợp lý để rút ngắn thời gian xây dựng hạng mục công trình;
  • Phối hợp hoạt động với tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án để bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường;
  • Thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án khác do người cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc ủy quyền thực hiện.
TTGDQP
Lễ khởi công: Công trình Khối Giảng đường II – TTGDQP&AN, Ban đang thực hiện nhiệm vụ TV QLDA cho công trình.

3. Thực hiện nhiệm vụ về kế hoạch trung hạn – dài hạn phát triển khu đô thị ĐHQG-HCM:

  • Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện khu vực phát triển khu đô thị ĐHQG-HCM, bao gồm việc đề xuất danh mục, loại nguồn vốn và lộ trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị, trình ĐHQG-HCM phê duyệt và tổ chức thực hiện;Tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong khu vực phát triển khu đô thị ĐHQG-HCM; nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù áp dụng đối với hoạt động đầu tư xây dựng trong khu vực phát triển đô thị ĐHQG-HCM;
  • Lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển khu dịch vụ, khu đô thị ĐHQG-HCM để trình thẩm định nếu được ĐHQG-HCM giao;
  • Tổ chức quản lý hoặc thực hiện chức năng chủ đầu tư đối với các dự án thành phần trong khu vực phát triển khu đô thị ĐHQG-HCM có sử dụng vốn NSNN và ngoài NSNN được ĐHQG-HCM giao;
  • Theo dõi, giám sát việc thực hiện các dự án thành phần đầu tư phát triển đô thị ĐHQG-HCM đảm bảo đúng theo quy hoạch, kế hoạch, tiến độ theo các nội dung dự án thành phần đã được phê duyệt; tổng hợp, đề xuất và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư;
  • Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ, các chủ đầu tư, đảm bảo sự kết nối đồng bộ và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án thành phần trong giai đoạn đầu tư xây dựng cho đến khi hoàn thành việc bàn giao cho Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị và các đơn vị khác;
  • Lưu trữ, nhập, cung cấp; tổng hợp, báo cáo ĐHQG-HCM, Ban Kế hoạch Tài chính định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất về tình hình thực hiện các dự án đầu tư và kế hoạch thực hiện được giao quản lý;
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác về quản lý đầu tư xây dựng trong phạm vi khu vực phát triển đô thị do ĐHQG-HCM giao hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật.

4. Nhận ủy thác quản lý dự án theo hợp đồng ký kết với các chủ đầu tư khác khi được yêu cầu, phù hợp với năng lực hoạt động của mình:

  • Ban QLDAXD thỏa thuận sơ bộ về việc nhận ủy thác quản lý dự án với chủ đầu tư là các đơn vị thành viên ĐHQG-HCM. Nội dung đề xuất cần mô tả cụ thể về dự án và các yêu cầu, phạm vi công việc quản lý dự án cần phải thực hiện;
  • Trên cơ sở thỏa thuận sơ bộ với Ban QLDAXD, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo người quyết định đầu tư chấp thuận việc giao nhiệm vụ quản lý dự án cho Ban QLDAXD được dự kiến nhận ủy thác quản lý dự án;
  • Chủ đầu tư tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác quản lý dự án theo quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng;
  • Ban QLDAXD được phép cung cấp dịch vụ ủy thác quản lý dự án cho các chủ đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ quản lý dự án được người quyết định đầu tư giao theo tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt;

– Có đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng;

– Được chủ đầu tư ủy thác quản lý dự án theo trình tự quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 16/2016/TT-BXD.

5. Thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình phù hợp với năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật. Nội dung giám sát thi công xây dựng công trình được thực hiện tại Khoản 1 Điều 120 Luật Xây dựng và Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình, cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện;
  • Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định tại Điều 107 của Luật Xây dựng;
  • Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: Nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình;
  • Kiểm tra biện pháp thi công xây dựng của nhà thầu so với thiết kế biện pháp thi công đã được phê duyệt;
  • Xem xét và chấp thuận các nội dung do nhà thầu trình quy định tại Khoản 3 Điều 25 Nghị định 46/2015/NĐ-CP và yêu cầu nhà thầu thi công chỉnh sửa các nội dung này trong quá trình thi công xây dựng công trình cho phù hợp vi thực tế và quy định của hợp đồng. Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng với các nhà thầu về việc giao nhà thầu giám sát thi công xây dựng lập và yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đối với các nội dung nêu trên;
  • Kiểm tra và chấp thuận vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình;
  • Kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công xây dựng công trình và các nhà thầu khác triển khai công việc tại hiện trường theo yêu cầu về tiến độ thi công của công trình;
  • Giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; giám sát các biện pháp đảm bảo an toàn đối với công trình lân cận, công tác quan trắc công trình;
  • Giám sát việc đảm bảo an toàn lao động theo quy định của quy chuẩn, quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật về an toàn lao động;
  • Đề nghị chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh thiết kế khi phát hiện sai sót, bất hợp lý về thiết kế;
  • Tạm dừng thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn; chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình và phối hợp xử lý, khắc phục sự cố theo quy định của Nghị định này;
  • Kiểm tra tài liệu phục vụ nghiệm thu; kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công;
  • Tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định tại Điều 29 Nghị định này;
  • Thực hiện nghiệm thu công việc xây dựng để chuyển bước thi công, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định; kiểm tra và xác nhận khối lượng thi công xây dựng hoàn thành;
  • Tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng;
  • Được thực hiện tư vấn quản lý dự án cho các dự án khác trên cơ sở bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ quản lý dự án được giao, có đủ điều kiện về năng lực thực hiện.